12 A 1 khóa 5

12 A 1 khóa 5

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Thơ của cha

LŨ TRÊN QUÊ MÌNH
-Phan Túy-
(Hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Bích Châu – Kỳ Anh)

Lũ quê mình lịch sử
Cua bò trên mái nhà
Người chìm trong dòng đục
Nước ngập tràn xót xa

Lũ ngày trước chưa ra
Lũ hôm nay ập tới
Bao xóm làng chìm nổi
Núi lở, đập nước tràn

Bùn ngập tràn mái hiên
Của theo dòng ra biển
Cả đời người cần kiệm
Nước trắng xóa bàn tay

Đất quê ta giờ đây
Câu chuyện xưa hiện lại
Chàng Sơn Tinh dâng núi
Quyết thắng giặc Thủy Tinh

Em ơi quê hương mình
Lũ cứ chồng lên lũ
Cả gió lào bão tố
Kể sao hết thiên tai

Cả đất nước hôm nay
Truyền thống xưa trỗi dậy
Tình thương lòng nhân ái
Chia sẻ nỗi đau thương

Ngày hôm nay đến trường
Lòng hướng về vùng lũ
Bạn bè ta nơi đó
Những ai mất ai còn

Một chút quà cỏn con
Sưởi ấm lòng bè bạn
Trong khó khăn hoạn nạn
Cho thấu tận lòng nhau
Tháng 10/2010

12 A thuyết trình

Bài thuyết trình của nhóm1

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, thơ ông diễn tả những tình cảm cách mạng thật nhẹ nhàng mà cũng thật đậm sâu. Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ được viết vào tháng 10/1954, khi Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Hồ và cán bộ kháng chiến từ giã "Thủ đô gió ngàn" về với "Thủ đô Hoa vàng nắng Ba Đình". Cả bài thơ là một niềm hoài niệm nhớ thương tuôn chảy về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc rất gian khổ nhưng vui tươi hào hùng. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong bài ca Việt Bắc có lẽ là đoạn thơ về bức tranh tứ bình với bốn mùa xuân - hạ - thu - đông.



Mở đầu đoạn thơ là hai câu thơ giới thiệu nội dung bao quát cảm xúc chung của đoạn thơ:

"Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người"

Câu thơ đầu tiên sử dụng câu hỏi tu từ "mình có nhớ ta", câu thơ thứ hai là tự trả lời, điệp từ "ta" lặp lại bốn lần cùng với âm "a" là âm mở khiến câu thơ mang âm hưởng ngân xa, tha thiết nồng nàn. Với Tố Hữu, người cán bộ ra đi không chỉ nhớ đến những ngày tháng gian khổ "bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng", mà còn nhớ đến vẻ đẹp đáng yêu của Hoa cùng Người. Ở đây, hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Còn con người là con người Việt Bắc với tấm áo chàm nghèo khổ nhưng đậm đà lòng son. Hoa và Người quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hòa đằm thắm để tạo nên cái nét riêng biệt, độc đáo của vùng đất này.Chính điều ấy đã tạo nên cái cấu trúc đặc sắc cho đoạn thơ.

bức tranh mùa đông

Trong bốn cặp lục bát còn lại câu sáu dành cho nhớ hoa, nhớ cảnh, câu tám dành cho nhớ người.Cảnh và Người trong mỗi câu lại có những sắc thái đặc điểm riêng thật hấp dẫn.

Nhắc đến mùa đông ta thường nhớ đến cái lạnh thấu xương da, cái ảm đạm của những ngày mưa phùn gió bấc, cái buồn bã của khí trời u uất. Nhưng đến với Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thì thật lạ. Mùa đông bỗng ấm áp lạ thường:

" Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng "

Điểm xuyết trên cái nền màu xanh bát ngát bao la của cánh rừng, là màu hoa chuối đỏ tươi đang nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Từ xa trông tới, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hòa,vừa cổ điển vừa hiện đại.Cái màu "đỏ tươi" - gam màu nóng của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng.

Câu thơ làm ta liên tưởng đến màu đỏ của hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi:

" Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tịn mùi hương "

Từ liên tưởng ấy ta thấy, mùa đông trong thơ Tố Hữu cũng lan tỏa hơi ấm của mùa hè chứ không lạnh lẽo hoang sơ bởi màu đỏ của hoa chuối cũng như đang phun trào từ giữa màu xanh của núi rừng.

Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy sản xuất ra nhiều lúa khoai cung cấp cho kháng chiến

"Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng" .

Trước thiên nhiên bao la, con người dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn.Ở đây nhà thơ không khắc họa gương mặt mà chớp lấy một nét thần tình rực sáng nhất. Đó là ánh mặt trời chớp lóe trên lưỡi dao rừng ở ngang lưng. Ở đây câu thơ vừa mang ngôn ngữ thơ nhưng lại vừa mang ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Con người như một tụ điểm của ánh sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất - " đèo cao". Con người đang chiếm lĩnh đỉnh cao, chiếm lĩnh núi rừng, tự do " Núi rừng đây là của chúng ta/ Trời xanh đây là của chúng ta". Đấy là cái tư thế làm chủ đầy kiêu hãnh và vững chãi: Giữa núi và nắng, giữa trời cao bao la và rừng xanh mênh mang. Con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.

bức tranh mùa xuân

Đông qua, xuân lại tới. Nhắc đến mùa xuân ta liên tưởng ngay đến sức sống mới của cỏ cây, hoa lá, của trăm loài đang cựa mình thức dậy sau mùa đông dài. Mùa xuân Việt bắc cũng vậy:

" Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang "

Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, trong trẻo, tinh khiết của hoa mơ nở khắp rừng: "Ngày xuân mơ nở trắng rừng". "trắng rừng" được viết theo phép đảo ngữ và từ "trắng" được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, và làm bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu ngọt của hoa mơ . Động từ "nở" làm sức sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề nhựa sống.

Đây không phải là lần đầu tiên Tố Hữu viết về màu trắng ấy, năm 1941 Việt Bắc cũng đón bác Hồ trong màu sắc hoa mơ:

" Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ "

Mùa xuân càng trở nên tươi tắn hơn nữa bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người với hoạt động " chuốt từng sợi giang". Con người đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày. Từ "chuốt" và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay của con người lao động: cần mẫn, tỉ mẩn, khéo léo, tài hoa, nhanh nhẹn, chăm chút đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc.

bức tranh mùa hè

Mùa hè đến trong âm thanh rộn rã của tiếng ve, bức tranh Việt Bắc lại sống động hơn bao giờ hết:

" Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình "

Thời điểm ve kêu cũng là thời điểm rừng phách đổ vàng. Động từ "đổ" là động từ mạnh, diễn tả sự vàng lên đồng loạt của lá phách đầu hè. Màu của cây phách đổ vàng cả suối ngàn dường như làm cho ánh nắng của mùa hè và cả tiếng ve kêu râm ran kia nữa cũng trở nên óng vàng ra. Đây là một bức tranh sơn mài được vẽ lên bằng hoài niệm, nên lung linh ánh sáng, màu sắc và rộn rã âm thanh.Tố Hữu không chỉ có biệt tài trong việc miêu tả vẻ đẹp riêng của từng mùa, mà còn có tài trong việc miêu tả sự vận động đổi thay của thời gian và cảnh vật. Chỉ trong một câu thơ trên mà ta thấy được cả thời gian luân chuyển sống động: tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đến và cây Phách ngả sang màu vàng rực rỡ. Đây chính là một biểu hiện đặc sắc của tính dân tộc.

Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội kháng chiến: "Nhớ cô em gái hái măng một mình". Hái măng một mình mà không gợi lên ấn tượng về sự cô đơn, hiu hắt như bóng dáng của người sơn nữ trong thơ xưa; trái lại rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân thương tha thiết. Hình ảnh thơ cũng gợi lên được vẻ đẹp chịu khó chịu thương của cô gái. Đằng sau đó, ẩn chứa biết bao niềm cảm thông, trân trọng của tác giả.

bức tranh mùa thu

Thu sang, khung cảnh núi rừng chiến khu như được tắm trong ánh trăng xanh huyền ảo lung lunh dịu dàng :

"Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

Không gian bao la tràn ngập ánh trăng, đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình dọi sáng niềm vui lên từng núi rừng, từng bản làng Việt Bắc. Ta cũng từng biết đến mùa thu đầy ánh trăng trong thơ của Bác khi còn ở chiến khu:

"Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận liên khu báo về"

Ở đây không có tiếng chuông báo thắng trận nhưng lại vang lên tiếng hát. Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhở thủy chung ân tình. Đây cũng chính là tiếng hát của Việt Bắc của núi rừng của tình cảm mười lăm năm gắn bó thiết tha mặn nồng.

Bức tranh mùa thu Việt Bắc đã làm hoàn chỉnh bức tranh tuyệt mỹ của núi rừng và khép lại đoạn thơ bằng tiếng hát "ân tình thủy chung" gợi cho người về và cả người đọc những rung động sâu xa của tình yêu quê hương đất nước.

tổng kết

Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.

Đây là đoạn thơ đặc sắc trong bài thơ “Việt Bắc” nổi tiếng của Tố Hữu. Đoạn thơ đã diễn tả được tình cảm nhớ thương Việt Bắc sâu nặng của người cán bộ kháng chiến khi rời Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội.

Ngôn ngữ uyển chuyển, ngọt ngào. Những từ “ta”, “mình” được nhà thơ sử dụng có ý nghĩa mới. Những từ vón rất riêng được Tố Hữu dùng với nghĩa chung, khiến cho cái chung có sứ rung động lạ thường. Nhạc điệu của câu thơ lục bát êm đềm có sức ngân vang trong lòng người đọc như một khúc hát ru kỉ niệm. Điệp từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần với nhiều cấp độ khác nhau tăng cường nhạc điệu du dương của đoạn thơ và nhấn mạnh được nỗi lòng lưu luyến của tác giả với chiến khu, với cảnh, với người Việt Bắc. Đặc biệt hơn cả là trong tâm tưởng của người ra vè in sâu hình ảnh sắc màu của bức tranh tứ bình tươi sáng rực rỡ thơ mộng.

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Cha tôi, một người thầy

Nhiều người cho rằng sống trung thực dường như phải chịu quá nhiều thiệt thòi và mất mát. Tôi không phản đối, nhưng với tôi, sống trung thực cũng “được” rất nhiều. Cái được đôi khi không nhìn thấy ngay trước mắt, nó vô hình, vì thế mà nhiều khi chúng ta thấy nản chí chăng?
Tôi muốn lấy ngay trường hợp của cha tôi làm minh chứng. Cha tôi là một giáo viên, đã làm hiệu phó từ rất trẻ nhưng 20 năm nay vẫn chỉ là hiệu phó, có lẽ không phải vì cha không có năng lực mà bởi cha quá trung thực, ngay thẳng. Không bao giờ ông nhận quà cáp, tiền bạc của phụ huynh học sinh. Tôi nhớ vào những mùa thi, có nhiều phụ huynh đến xin cho con học, cha tôi ngại vì từ chối nhiều quá nên lánh mặt. Có phụ huynh gửi thư lại. Phụ huynh về, cha tôi mở phong bì thấy có tiền lập tức đạp xe đuổi theo trả lại bằng được.
Làm hiệu phó, ông thẳng thắn nói ra những việc làm không đúng, sai trái của hiệu trưởng, vì thế khi hiệu trưởng về hưu đưa một tổ trưởng lên kế nhiệm, cha tôi vẫn là hiệu phó.
20 năm sau, sở GD-ĐT đề nghị cha tôi lên làm hiệu trưởng. Nhưng vì nhiều lý do, người cuối cùng sẵn sàng ra đi làm nhiệm vụ mới lại là cha tôi.
Cha làm như thế cuối cùng được gì? Ai quen đều bảo cha tôi có một cuộc đời trong sạch, một gia đình nề nếp, gia giáo mà từ học trò đến bà con họ hàng ai cũng khâm phục, kính nể. Bốn anh em chúng tôi ai cũng trưởng thành và thành đạt bằng chính năng lực của mình.
Anh em chúng tôi luôn nhìn vào cha để sống, để tâm hồn được thanh thản. Hạnh phúc nào, cái được nào có thể hơn điều đó hả các bạn!
(Bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ)

Hiệp sĩ Sainte Hermine

Một ngày đầu tháng 6, những cơn mưa đầu mùa làm cho đất trời trở nên ẩm ướt, cảm giác thèm được ngồi bên khung cửa nhìn mưa rơi và đọc 1 cuốn sách hay. Chạy ào vào nhà sách cầm lên cuốn Kiếp sau của Macr Levy, nhân tiện mua lại bộ Những người khốn khổ cho đủ bộ sưu tập. Đang mặc cả với người bán hàng thì một người đàn ông trung niên chen vào “Cô cần phải xem chất lượng in và tùy vào thời điểm mới có giảm giá đấy cô ạ. Bộ Những người khốn khổ chắc sắp được xuất bản lại rồi đấy vì người ta vừa mới tìm thấy chương cuối của nó”. Ồ, thật ngạc nhiên vì có một người am hiểu sách đến thế “Chú là chủ nhà sách ạ” “Không, tôi chỉ thường đến đọc sách ở đây thôi. Cô nên mua cuốn Hiệp sĩ Sainte Hermine, cuốn đó đang giảm 50% đấy. Một cuốn sách nên đọc và đáng để đọc, nhất là đối với những ai đã từng yêu mến Alexandre Dumas. Đây là cuốn sách cuối cùng của ông mà người ta mới tìm thấy”. Nhân duyên đưa tôi đến với Hiệp sĩ Sainte hermine là vậy. Cầm cuốn sách khổ lớn, dày hơn 700 trang, chữ nhỏ, không nhiều thoại (như những cuốn khác của Dumas khi ông dùng “tiểu xảo” để lấy được nhiều nhuận bút của các tòa soạn báo). Không có nhiều thời gian rảnh mà ôm cuốn này cũng thấy hơi ngại. Thế nhưng cảm giác đó sẽ qua rất nhanh và chúng ta sẽ thấy thật không quá khi nói rằng đây là cuốn sách “hay đến mức không thể tả nổi”
Sự thật khi tôi viết những dòng này, tôi chưa đọc xong cuốn sách, thế nhưng những cảm xúc và ấn tượng về cuốn sách mạnh mẽ đến nỗi đã thôi thúc tôi buộc tôi phải viết lên đây cho những ai yêu sách mà chưa biết đến cuốn sách này thì hãy cùng đồng hành với tôi khám phá hết hơn 700 trang sách để thấy hết những nhân vật vừa rất đời, rất thực trong lịch sử, vừa mang sự huyền hoặc của sự hư cấu thêm của thiên tài Dumas. Dựa trên nền tảng lịch sử nước Pháp phong phú mà Dumas đã dày công sưu tầm, ông đã dựng nên cả một nước Pháp đang vặn mình chuyển từ chế độ bảo hoàng sang cộng hòa với bao nhiêu mẫu thuẫn trong lòng nó. Lấy bối cảnh lịch sử, chính trị nước Pháp nhưng cuốn sách không hề khô khan mà trái lại người đọc vẫn thấy cảm hứng lãng mạn kiểu Alexandre Dumas xuyên suốt tác phẩm, những chàng hiệp sĩ hào hoa, những nàng tiểu thư đài các, những vũ hội rực rỡ, những chuyện tình say đắm và đầy ngang trái. Đó là nàng tiểu thư Hortense kiều diễm đem lòng yêu chàng cận vệ của cha mình nhưng cuối cùng phải thuận theo ý mẹ lấy người khác. Đó là nàng Claire xinh đẹp tuyệt vời đêm lòng yêu chàng trai rất bí ẩn mang dòng họ Sainte-Hermine. Cả hai người con gái trước những xao xuyến của con tim và những lựa chọn của lý trí không biết phải làm sao vì thế hai người đã tìm đến bà bói
Bà bói vô cùng kinh ngạc khi cô lật các tờ bài của mình lên và cuối cùng bà chỉ nói với cô 1 câu “Cô sẽ là quả phụ của người sống trong 14 năm, phần đời còn lại là vợ của kẻ đã chết”. Trong ngày cưới của mình với chàng hiệp sĩ Sainte, đến thời điểm đặt bút ký giấy kết hôn, chàng Sainte Hermine có người đến và buộc phải đi,… nàng Claire đau đớn khóc ngất lên “ôi, mẹ ơi, mẹ ơi…thế là lời tiên đoán của thầy bói đã đúng và quãng đời góa bụa của con đã bắt đầu rồi”.
…Khi viết tiếp những dòng này cũng là lúc cuốn sách tôi đọc đã đi về những trang cuối, không thể nói gì hơn ngoài câu “cuốn sách hay một cách không thể tả”. Chàng Sainte Hermine đã thể hiện ngòi bút đầy ma lực của Alexandre Dumas trong việc xây dựng những trang hiệp sĩ làm say đắm lòng người đọc yêu văn ông.
Hãy đọc và cảm nhận để được đắm chìm vào trong những trang văn mê hồn của Dumas, để được sống với không khí của những vũ hội xa hoa của giới quý tộc, để được phiêu linh trong chuyện tình kinh điển và mạo hiểm cùng với những chuyến đi của chàng chàng hiệp sĩ Sainte Hermine.

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Vợ nhặt -Vẻ đẹp của tình người

Bài văn điểm 10 của thí sinh ĐH Huế - Câu 2 (5 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân).

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực, có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thủy” ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay viết ngay tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Khi hòa bình lặp lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “Vợ nhặt” đã ra đời.

Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.
Trong một lần phát biểu, Kim Lân từng nói: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Và điểm sáng mà nhà văn muốn đem vào tác phẩm chính là ở chỗ đó. Đó chính là tình người và niềm hi vọng về cuộc sống, về tương lai của những con người đang kề cận với cái chết. Bằng cách dẫn truyện, xây dựng lên tình huống “nhặt vợ” tài tình kết hợp với khả năng phân tích diễn biến tâm lý nhân vật thật tinh tế và sử dụng thành công ngôn ngữ nông dân, ngôn ngữ dung dị, đời thường nhưng có sự chọn lọc kĩ lưỡng ấy, nhà văn đã tái hiện lại trước mắt ta một không gian nạn đói thật thảm hại, thê lương. Trong đó ngổn ngang những kẻ sống, người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ giữa tiếng hờ khóc và tiếng gào thét kinh hoàng của đám quạ.

Bằng tấm lòng đôn hậu chân thành, nhà văn đã gửi gắm vào trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý ấy và nhà văn đã để những số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phất phới cùng đám người đói phá kho thóc Nhật ở cuối thiên truyện.

Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng. Tình huống ấy là cánh cửa khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau khi miếng ăn của một người chưa đủ thì làm sao có thể đèo bòng thêm người này người kia. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỷ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn nhẫn, làm cho nhau đau khổ.

Nhưng nhà văn Kim Lân lại khám phá ra một điều ngược lại như ở các nhân vật như anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Chúng ta từng kinh hãi trước “xác người chết đói ngập đầy đồng”, “người lớn xanh xám như những bóng ma”, trước “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi ngây của xác người”, từng ớn lạnh trước “tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết” ấy nhưng lạ thay chúng ta thật không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và cả người vợ của Tràng nữa.

Một anh thanh niên của cái xóm ngụ cư ấy như Tràng, một con người - một thân xác vạm vỡ lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch, thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng biết bao nghĩa tình cao đẹp. “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào”, vậy mà Tràng vẫn đèo bòng thêm một cô vợ trong khi anh không biết cuộc đời mình phía trước ra sao. Tràng thật là liều lĩnh. Và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình. Điều ấy thật éo le và xót thương vô cùng.

Và dường như lúc ấy trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa đựng một ao ước thiết thực về sự đầm ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phờ tầm phào cho vui nhưng điều ấy cũng hé mở cho ta thấy tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ.

Như một lẽ đương nhiên, Tràng đã rất ngỡ ngàng, hắn đã “sờ sợ”, “ngờ ngợ”, “ngỡ ngàng” như không phải nhưng chính tình cảm vợ chồng ấy lại củng cố và nhen nhóm ngọn lửa yêu thương và sống có trách nhiệm với gia đình trong hắn. Tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tính.
Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc ấy như một cái gì đó cứ “ấm áp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến “Trong một lúc Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua”.
Và Tràng đã ước ao hạnh phúc. Mạch sống của một người đàn ông trong Tràng đã trở dậy. Hắn có những thay đổi rất bất ngờ nhưng rất hợp lôgich. Những thay đổi ấy không gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu thương hay sao?

Trong con người của Tràng khi trở dậy sau khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ. Tràng không phải là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một con người có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, “Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “Hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”. Hắn cũng xăm xắn ra sân dọn dẹp nhà cửa.

Hành động, cử chỉ ấy ở Tràng đâu chỉ là câu chuyện bình thường mà đó là sự biến chuyển lớn. Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hòa thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Rồi số phận, cuộc đời của hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi. Hắn tin thế.

Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước, trước sức mạnh của cách mạng. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình. Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện. Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho những khuôn mặt hốc hác u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên.
Từ con người chao chát chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là cả một quá trình biến đổi. Điều gì làm thị biến đổi như thế? Đó chính là tình người, là tình thương yêu. Thị tuy theo không Tràng về chỉ qua bốn bát bánh đúc và hai câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng nhưng chúng ta không khinh miệt thị. Nếu có trách thì chỉ có thể hướng vào xã hội thực dân phong kiến kia bóp nghẹt quyền sống con người.
Thị xuất hiện không tên tuổi, quê quán, trong tư thế “vân vê tà áo đã rách bợt”, điệu bộ trông thật thảm hại nhưng chính con người lại gieo mầm sống cho Tràng, làm biến đổi tất cả, từ không khí xóm ngụ cư đến không khí gia đình. Thị đã đem đến một luồng sinh khí mới, nguồn sinh khí ấy chỉ có được khi trong con người thị dung chứa một niềm tin, một ước vọng cao cả vào sự sống, vào tương lai. Thị được miêu tả khá ít, song đó lại là nhân vật không thể thiếu đi trong tác phẩm. Thiếu thị, Tràng vẫn chỉ là anh Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng thầm trong đau khổ cùng cực.

Kim Lân cũng thật thành công khi xây dựng nhân vật này để góp thêm tiếng lòng ca ngợi sức sống của vẻ đẹp tình người, niềm tin ở cuộc đời phía trước trong những con người đói khổ ấy. Và thật ngạc nhiên, khi nói về ước vọng tương lai, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời, người ta dễ nghĩ đến tuổi trẻ như Tràng và người vợ. Nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo vô cùng, tình cảm, ước vọng ở cuộc đời ấy lại được tập trung miêu tả khá kĩ ở nhân vật bà cụ Tứ. Đến nhân vật này, Kim Lân tỏ rõ ngòi bút vững vàng, già dặn của mình trong bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật.

Bà cụ Tứ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện nhưng nếu thiếu đi nhân vật này, tác phẩm sẽ không có chiều sâu nhân bản. Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào trong tác phẩm, Kim Lân đã cho chúng ta thấy rõ hơn ánh sáng của tình người trong nạn đói. Bao giờ cũng thế, các nhà văn muốn nhân vật nổi bật cá tính của mình thường đặt nhân vật vào một tình thế thật căng thẳng. Ở đó dĩ nhiên phải có sự đấu tranh không ngừng không những giữa các nhân vật mà độc đáo hơn là ngay chính trong nội tâm của nhân vật ấy. Bà cụ Tứ là một điển hình.

Việc Tràng lấy vợ đã gây một chấn động lớn trong tâm thức người mẹ nghèo vốn thương con ấy. Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà lâu nay và có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên bà cụ đã "cúi đầu nín lặng". Cử chỉ, hành động ấy chất chứa bao tâm trạng. Đó là sự đan xen lẫn lộn giữa nỗi tủi cực, nỗi lo và niềm vui nỗi buồn cứ hòa lẫn vào nhau khiến bà thật căng thẳng.

Sau khi thấu hiểu mọi điều, bà nhìn cô con dâu đang "vân vê tà áo đã rách bợt" mà lòng đầy thương xót. Bà thiết nghĩ "người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có được vợ". Và thật xúc động bà cụ đã nói, chỉ một câu thôi nhưng sâu xa và có ý nghĩa vô cùng: "Thôi, chúng mày phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng".

Đói khổ đang vây lấy gia đình bà, cuộc sống của bà sẽ ra sao khi mình đang ngấp nghé trước vực thẳm của cái chết. Nhưng trong tâm thức người mẹ nghèo ấy, đói khổ không phải là vật cản lớn nữa. Đói rét thật nhưng trong lòng mà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương chân thành. Bà thương con, thương dâu và thương cho chính bản thân mình.

Bà cụ Tứ từ những nỗi lo, nỗi tủi cực về gia cảnh vẫn không ngừng bùng cháy lên ngọn lửa của tình người. Bà đã giang tay đón nhận đứa con dâu lòng đầy thương xót, trong tủi cực nhưng vẫn ngầm chứa một sức sống thật mãnh liệt. Chính ở người mẹ nghèo khó ấy, ngọn lửa của tình người, tình thương yêu nhân loại ấy bùng cháy mạnh mẽ nhất. Trong bóng tối của đói nghèo đang hùng hổ vây quanh, bà lão vẫn gieo vào lòng những con mình niềm tin về cuộc sống. Bà nhắc đến việc Tràng nên chuẩn bị một cái phên nuôi gà, rồi việc sinh con đẻ cái, bà lão nói toàn truyện vui trong bữa cơm ngày đói thật thảm hại. Bà đã đón nhận hạnh phúc của các con để tự sưởi ấm lòng mình.

Đặc biệt chi tiết nồi cám ở cuối thiên truyện thể hiện khá rõ ánh sáng của tình người. Nồi chè cám nghẹn bứ cổ và đắng chát ấy lại là món quà của một tấm lòng đôn hậu chất chứa yêu thương. Bà lão "lễ mễ" bưng nồi chè và vui vẻ giới thiệu: "Chè khoán đây. Ngon đáo để cơ". Ở đây nụ cười đã xen lẫn nước mắt. Bữa cơm gia đình ngày đói ở cuối thiên truyện không khỏi làm chạnh lòng chúng ta, một nỗi xót thương cay đắng cho số phận của họ song cũng dung chứa một sự cảm phục lớn ở những con người bình thường và đáng quý ấy.

Kim Lân bằng nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới trong đề tài về nạn đói. Nhà văn đã khẳng định ánh sáng của tình người thật thành công ở ba nhân vật. Điều làm chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất ở những thân phận nghèo đói, thảm hại kia.

Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và bà cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài không mới. Tác phẩm đã thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân - một nhà văn được đánh giá là viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.
"Cái đẹp cứu vớt con người" (Đôxtôiepki). Vâng, "vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.

Dàn ý: Hình ảnh NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI

Dàn ý: Hình ảnh NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI - Một hạt ngọc ẩn giấu đằng sau vẻ lam lũ...
- Người phụ nữ không tên là dụng ý của NMC. NHân vật sẽ hiện lên vừa khái quát vừa cụ thể. Chị là hiện thân, là tiêu biểu cho số phận, phẩm chất của vô vàn những người phụ nữa làng chài khác.
- Ngoại hình:
+ Xấu xí, thô kệch (Khác với nét đẹp trong sáng, thánh thiện như đóa ban rừng của Mị)
+ Gợi ra cuộc sống lam lũ, vất vả- Số phận:
+Vật chất: Nghèo khổ, lạc hậu: đông con, thuyền chật chội, những ngày biển động cả nhà ăn xương rồng luộc chấm muối… (ước mơ bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường).
+ Tinh thần: Bất hạnh: bị chồng đánh đập dã man, tàn nhẫn: 3 ngày trận nhỏ, 5 ngày trận lớn; CHị còn cảm thấy xấu hổ, nhục nhã; luôn nơm nớp lo sợ con mình sẽ bị tổn thương khi thấy cảnh mình bị đánh…=> Nghèo khổ, bất hạnh
- Phẩm chất:
+ Cam chịu, nhẫn nhục
+ Bao dung, độ lượng
+ Giàu đức hi sinh
=> Yêu thương con vô bờ bến+ Từng trải, hiểu biết lẽ đời (thậm chí nhiều câu nói rất đỗi bình thường nhưng lại gần như triết lí khiến Đẩu và Phùng phải ngỡ ngàng).
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Có nhiều nhưng nổi bật nhất là đối lập- tương phản:
+ Ngoại hình xấu xí ><><> “Hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người”
- Số phận phẩm chất của người phụ nữ hàng chài này là số phận và phẩm chất của những người PN vùng biển nói riêng và phụ nữ VN nói chung

Hình tượng người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa"

Hình tượng người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa"
Đề câu 3 (5 điểm) thi HK2 BDTX 2008-2009 TP HCM

1. Yêu cầu về kỹ năng :
- Học viên biết cách trình bày cảm nhận một nhân vật trong truyện ( người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu ).
- Biết làm bài nghị luận văn học, kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng,diễn đạt tốt, biết chọn những dẫn chứng tiêu biểu để làm rõ vấn đề, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.Viết chữ cẩn thận, rõ ràng.
2.Yêu cầu về kiến thức : Học viên có những cách cảm nhận và trình bày khác nhau, nhưng cần thấy được những ý cơ bản là:
a. Nguyễn Minh Châu là môt trong những nhà văn tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới… Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác năm 1983, in đậm phong cách tự sự- triết lí của ông.
b. Cảm nhận ở chị là một người phụ nữ hàng chài lao động nghèo, nhọc nhằn, lam lũ:
- Tên gọi “người đàn bà” là một cách phiếm định…
- Dáng vẻ bên ngoài: Trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, đường nét thô kệch, mặt rỗ, khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, tấm lưng áo bạc phếch, dáng đi mệt mỏi chậm chạp như một bà già…
c. Chị cũng là hiện thân của sự bất hạnh, khổ đau thầm lặng, cam chịu: Bị chồng đánh, chị nhẫn nhục chịu đựng “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn…” Khi thấy thằng nhỏ Phác (con trai chị) xuất hiện, chị “chắp tay vái lấy vái để … những giọt nước mắt chứa đầy những nốt rỗ chằng chịt”…
d. Nhưng qua điều đó cũng thể hiện ở chị một vẻ đẹp của lòng vị tha, tình yêu thương và đức hi sinh: là một người thấu hiểu lẽ đời…, chị sống với tâm niệm thiêng liêng của thiên chức làm mẹ, với một hạnh phúc giản dị “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”…
đ. Qua nhân vật, nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện cái nhìn sâu sắc về con người: Mỗi người đều có những vẻ đẹp riêng nhưng không dễ thấy; phải đặt trong mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều. Người nghệ sĩ phải thâm nhập vào mạch ngầm của cuộc sống để khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong con người…
3. Biểu điểm :
- Điểm 4 – 5 : Đáp ứng khá tốt các yêu cầu nêu trên, biết cách đưa ra các dẫn chứng tiêu biểu để làm rõ vấn đề ,cảm nhận về nghệ thuật tạm được, diễn đạt tương đối tốt, có thể còn mắc một số sai sót về câu, từ.
- Điểm 2 – 3 : Trình bày được các yêu cầu cơ bản ; có thể đôi chỗ còn kể chuyện, đôi chỗ chưa được chính xác. Câu, chữ, diễn đạt tạm được .
- Điểm 1: Chưa hiểu nhân vật, hoặc cảm nhận quá sơ sài, diễn đạt quá kém.Chữ viết khó đọc, mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0 : Bỏ giấy trắng hoặc có viết nhưng không có gì gắn với đề