12 A 1 khóa 5

12 A 1 khóa 5

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Cha tôi, một người thầy

Nhiều người cho rằng sống trung thực dường như phải chịu quá nhiều thiệt thòi và mất mát. Tôi không phản đối, nhưng với tôi, sống trung thực cũng “được” rất nhiều. Cái được đôi khi không nhìn thấy ngay trước mắt, nó vô hình, vì thế mà nhiều khi chúng ta thấy nản chí chăng?
Tôi muốn lấy ngay trường hợp của cha tôi làm minh chứng. Cha tôi là một giáo viên, đã làm hiệu phó từ rất trẻ nhưng 20 năm nay vẫn chỉ là hiệu phó, có lẽ không phải vì cha không có năng lực mà bởi cha quá trung thực, ngay thẳng. Không bao giờ ông nhận quà cáp, tiền bạc của phụ huynh học sinh. Tôi nhớ vào những mùa thi, có nhiều phụ huynh đến xin cho con học, cha tôi ngại vì từ chối nhiều quá nên lánh mặt. Có phụ huynh gửi thư lại. Phụ huynh về, cha tôi mở phong bì thấy có tiền lập tức đạp xe đuổi theo trả lại bằng được.
Làm hiệu phó, ông thẳng thắn nói ra những việc làm không đúng, sai trái của hiệu trưởng, vì thế khi hiệu trưởng về hưu đưa một tổ trưởng lên kế nhiệm, cha tôi vẫn là hiệu phó.
20 năm sau, sở GD-ĐT đề nghị cha tôi lên làm hiệu trưởng. Nhưng vì nhiều lý do, người cuối cùng sẵn sàng ra đi làm nhiệm vụ mới lại là cha tôi.
Cha làm như thế cuối cùng được gì? Ai quen đều bảo cha tôi có một cuộc đời trong sạch, một gia đình nề nếp, gia giáo mà từ học trò đến bà con họ hàng ai cũng khâm phục, kính nể. Bốn anh em chúng tôi ai cũng trưởng thành và thành đạt bằng chính năng lực của mình.
Anh em chúng tôi luôn nhìn vào cha để sống, để tâm hồn được thanh thản. Hạnh phúc nào, cái được nào có thể hơn điều đó hả các bạn!
(Bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét